06/11/2018

Kiến trúc Byzantine

Khi nhắc đến kiến trúc phương Tây, không mấy ai xa lạ với kiến trúc Byzantine. Ngoài việc được biết đến như một phong cách độc đáo, Byzantine còn có thể được xem là nền tảng của phong cách kiến trúc sau này như: Gothic, Phục Hưng… Sau nhiều thế kỷ, vẫn còn rất nhiều các công trình kiến trúc mang phong cách Byzantine được giữ nguyên vẹn cho tới tận ngày nay, khiến người xem phải trầm trồ mỗi khi có dịp chiêm ngưỡng.

Lịch sử hình thành

Phong cách kiến trúc Byzantine xuất hiện từ năm 330 đến 1450 sau công nguyên, xuất phát từ Constantinopolis, thủ đô của đế quốc Đông La Mã (hay còn gọi là đế quốc Byzantine). Sau một thời kỳ phát triển rực rỡ, Byzantine không hoàn toàn biến mất mà trở thành một phần trong các phong cách kiến trúc khác như kiến trúc Gothic và gần như được hồi sinh vào thời kỳ Phục Hưng.

Thời Trung cổ, Byzantine phát triển như một thực thể nghệ thuật và văn hóa riêng biệt, chỉ tập trung vào thủ đô mới của Constantinople hơn so với thủ đô Roma và các vùng lân cận. Vì thế, Byzantine chịu sự tác động không nhỏ của kiến trúc thời Trung cổ và khu vực cận Đông, đồng thời trở thành tổ tiên chính thống của hai phong cách kiến trúc sau này là kiến trúc thời kỳ Phục Hưng và Ottoman.

Kiến trúc Byzantine là sự tập hợp của nhiều yếu tố khác nhau của kiến trúc La Mã. Các tòa nhà được xây dựng theo phong cách Byzantine đã có sự nâng cấp lớn về thạch cao, gạch, hình học. Không chỉ có chức năng là đá trang trí cho cấu trúc của các công trình kiến trúc công cộng, các vật liệu trên đã dần được sử dụng một cách tự do hơn, những mảnh ghép thay thế cho chạm khắc, hình ảnh những mái vòm phức tạp, họa tiết cổ điển được sử dụng tự do hơn và những cửa sổ lọc ánh sáng thông qua tấm thạch cao mỏng được chạm khắc họa tiết hoa tuyết nhẹ nhàng và thanh lịch, đem lại ánh sáng dịu nhẹ cho nội thất bên trong.

kien-truc-byzantine_1
 
kien-truc-byzantine_6
 
Nhà thờ S. Marco (Ý) với nét kiến trúc đặc trưng của phong cách Byzantine.
 

3 giai đoạn phát triển của phong cách Byzantine

Giai đoạn 1: thế kỷ 4 – thế kỷ 6

Giai đoạn này được đánh giá là thời điểm hưng thịnh nhất của nhà nước Đông La Mã. Vua Constantine Đại Đế đã thúc đẩy xây dựng thành phố Constantinople giúp cho thành phố nhanh chóng được mệnh danh là “chiếc cầu vàng nối liền phương Tây và phương Đông”. Kiến trúc trong Constantinople có nhiều loại hình đa dạng khác nhau như: cầu dẫn nước, bể chứa nước, quảng trường, cung điện, cổng thành, thành quách…

Đặc biệt trong thời điểm này, xây dựng nhà thờ được đẩy mạnh, các nhà thờ có quy mô càng ngày càng lớn, hình thức và các họa tiết trang trí cũng ngày càng hoa lệ hơn.

Giai đoạn 2: thế kỷ 7 – thế kỷ 12

Trong thời gian này, phần diện tích đất đai của thành phố Constaninople đã dần bị thu hẹp vì chiến tranh và ngoại xâm, quy mô cũng như số lượng bị giảm đi rất nhiều. Trong thời kỳ này, kiến trúc có đặc điểm là xây dựng trên diện tích đất rất nhỏ, mặc dù vẫn lấy việc phát triển, xây dựng chiều cao làm chính nhưng đã giảm bớt sự xuất hiện của các mái vòm lớn ở vị trí trung tâm. Một trong những công trình tiêu biểu của Byzantine trong thời kỳ này chính là nhà thờ S.Marco ở phương Tây Venise.

Giai đoạn 3: thế kỷ 13 – thế kỷ 15

Ở giai đoạn này, Byzantine có phần đi xuống do nhà nước đã phải chịu những tổn thất nghiêm trọng từ cuộc chiến đẫm máu của quân Thập tự chinh. Quy mô xây dựng của Byzantine nhỏ hơn, chủ yếu xuất hiện trang trí trong nhà là chính.

Nhìn chung, thành tựu lớn nhất của kiến trúc Byzantine có thể kể tên như: cột cổ điển của Hy Lạp cổ đại, vòm cuôn gạch đá của Tây Á hay quy mô đồ sộ của kiến trúc La Mã cổ đại.

kien-truc-byzantine_3
 
kien-truc-byzantine_2

Nhà thờ S. Vitale (Ý) là một trong 3 nhà thờ tiêu biểu cho lối kiến trúc Byzantine.

Đặc điểm kiến trúc Byzantine

Byzantine được biết đến với cấu trúc tiêu biểu bởi mái vòm hình tròn và các mái vòm có khoảng vượt lớn. Ngoài ra phong cách Byzantine có những nét đặc trưng sau đây:

- Thường kết hợp với phong cách nghệ thuật Mozaich trong những đường nét thiết kế. Mặt bằng có sử dụng các biểu tượng hình học như: Basilica, chữ thập, tập trung, đa giác.

- Luôn đặt bàn thờ ở phía Đông và lối vào từ phía Tây.

- Kiến trúc tường gạch là chính hoặc gạch dày xen kẽ với đá hoa cương. Mái nhà lợp ngói hoặc lót bằng những tấm chì.

- Đối lập với phía bên trong vô cùng hào nhoáng và hoa lệ, trang trí chủ yếu với hai màu lam, vàng thì phía ngoài hầu như không có trang trí gì, chỉ để gạch đá tự toát lên vẻ uy nghi của nó.

- Vòm buồm là một trong những đặc điểm quan trọng nhất. Sau này vòm buồm được kiến trúc Phục Hưng Ý phát triển thêm đáng kể.

Những kiểu mặt bằng nhà thờ phong cách Byzantine thời bấy giờ:

- Mặt bằng kiểu Basilica hình chữ nhật.

- Mặt bằng kiểu tập trung xoay quanh. (Hình tròn hoặc đa giác đều, ở giữa có mái vòm)

- Mặt bằng kiểu chữ thập. (Có trung tâm chẻ ra 4 hướng, trung tâm vẫn là mái vòm)

Kiến trúc Byzatine rất chú ý và có nhiều thành tựu trong việc tổ chức không gian bên trong. Trong kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại, nghi thức tôn giáo và lễ hội dân gian thường được cử hành ngoài trời nên diện tích công trình lớn hay nhỏ không được quan tâm nhiều, không gian ngoài nhà lúc đó rất quan trọng. Sang kiến trúc Byzantine, nghi thức tôn giáo được cử hành bên trong nhà thờ, Giáo hội quản lý toàn bộ cuộc sống của tín đồ nên nhà thờ là nơi tụ tập, hội họp của nhân dân. Kiến trúc tôn giáo Byzantine đòi hỏi phải có những không gian lớn, sức chứa lớn và cảm giác vô hạn về không gian. Vì vậy mặt bằng kiểu tập trung hay kiểu chữ thập có diện tích lớn, không gian phong phú dần dần được sử dụng rộng rãi.

Thành tựu của việc tổ chức không gian bên trong của kiến trúc Byzantine có được là nhờ người Byzantine nắm được kỹ thuật kết cấu không gian lớn và tìm ra cũng như đẩy mạnh việc sử dụng một loại vòm gọi là vòm buồm. Vòm buồm Byzantine đặt lên cột, lợp được cả một không gian rộng rãi hơn. Nếu là một tổ hợp vòm buồm với một vòm chính giữa cao hơn và bốn vòm buồm xung quanh, không gian lại càng rộng rãi và biến hóa hơn nữa. Đây là một phát kiến lớn, đã triệt để giải quyết được vấn đề hình thức kiến trúc và kết cấu vòm buồm có mặt bằng hình vuông.  Giải pháp kết cấu như vậy làm hài hòa, đơn giản hơn nhiều sự kết hợp một mặt bằng hình vuông và một mái cuốn tròn, tải trọng lại chỉ tập trung ở bốn cột, triệt tiêu được nội lực xuất hiện trong vòm.

kien-truc-byzantine_4
 
kien-truc-byzantine_5

Nhà thờ Hagia Sophia nay thuộc Thổ Nhĩ Kỹ.

Nghệ thuật trang trí Byzantine

Vật liệu và kỹ thuật của kiến trúc Byzantine là một trong những yếu tố góp phần xây dựng nên nghệ thuật trang trí nội thất Byzantine. Vật liệu xây dựng chủ yếu của phong cách Byzantine là gạch xây chen với những lớp vữa dài, trong một số công trình còn sử dụng thêm cả bê tông xuất xứ từ La Mã, tạo nên những công trình có bề mặt bên trong giống với bên ngoài, đồng thời phần dưới vòm trông khá đạm bạc nên cần phải trang trí những diện tích đó. Vì vậy đã xuất hiện nghệ thuật Mozaich khảm khắc pha lê, cách chạm vẽ bột màu và điêu khắc để làm cho kiến trúc Byzantine đạt được hiệu quả lộng lẫy.

Ngoài ra phần tường của các công trình được thiết kế theo phong cách Byzantine thường được trang trí bằng những tấm đá cẩm thạch, nhưng bề mặt của vòm cuốn không thích hợp với việc ốp đá nên sử dụng Mozaich (tranh ghép gốm hay khảm pha lê) hoặc vẽ bột màu là chủ yếu.

Mozaich của Byzantine phát triển từ thành phố Alexandria. Mozaich thường được tạo thành bởi những miếng thủy tinh nhỏ nửa trong suốt. Mặt ngoài các miếng thủy tinh có độ nghiêng khác nhau, tạo thành hiệu quả lấp lánh, đồng thời khoảng cách giữa các miếng thủy tinh cũng không liền mạch, tạo nên vẻ hài hòa giữa tranh khảm với công trình xây dựng.

Tranh bột màu được vẽ lên tường chia thành 2 loại: một loại vẽ lên khi vữa đang còn ướt, có độ bền rất tốt và chất lượng thẩm mỹ cao; còn một loại vẽ lên khi vừa đã khô, độ bền màu giảm đi đáng kể.

Nghệ thuật khảm đá của Byzantine cũng rất độc đáo và thu hút, tạo được điểm nhấn cho công trình ở những vị trí chân cuốn, đáy vòm, đầu cội,…cùng với nhiều bộ phận khác được xây dựng bằng đá, đồng thời đều có sự trang trí trên các bề mặt khác nhau, với đề tài chính thường được sử dụng là hoa văn hình học hoặc các họa tiết hoa lá thực vật. Đặc điểm của điêu khắc đá là giữ nguyên được hình dáng hình học của cấu kiện kiến trúc.

Trong khi nội thất Byzantine tìm đến sự lộng lẫy, tinh tế thì mặt ngoài của nó lại rất đơn giản, thô mộc. Ngoại thất các nhà thờ Byzantine được tạo thành bởi các dải gạch có màu sắc khác nhau, xen kẽ vào đó là các gờ đá đơn giản.

Cho tới ngày nay, người ta đánh giá rằng có 3 công trình kiến trúc tiêu biểu cho phong cách Byzantine đó là: Nhà thờ Hagia Sophia (Thổ Nhĩ Kỳ), nhà thờ S. Vitale (Ravenna, Ý), nhà thờ S. Marco (Venise, Ý). Tại Việt Nam, có thể kể tên công trình mang đậm màu sắc Byzantine và được coi là tiêu biểu nhất cho phong cách kiến trúc này đó là nhà thờ Hạnh Thông Tây (TP Hồ Chí Minh).
Tin tức khác:

Ý nghĩa màu sắc trong thiết kế nội thất và xu hướng sử dụng màu sắc trong năm 2022

15 Cách chống nắng hiệu quả cho nhà hướng Tây

Công trình kiến trúc xanh ở Việt Nam

Thiết kế nội thất biệt thự phong cách châu Âu

Thiết kế phòng ngủ bé gái màu hồng tuyệt đẹp