10/10/2018

10 kiến trúc sư đương đại hàng đầu thế giới

Đối với mỗi nền kiến trúc, sẽ có những người làm nhiệm vụ “đi trước đón đầu”, gây dựng những viên gạch đầu tiên cho các phong cách kiến trúc mới. Người ta hay gọi họ bằng cái tên: những người định hình nên thế giới.

Trong suốt cuộc đời mình, những kiến trúc sư tài hoa này đã để lại những tác phẩm độc đáo, đầy tính nghệ thuật, đi trước mọi thời đại và mang nét đặc sắc không lẫn vào đâu được. Những công trình của họ luôn nằm trong danh sách các tác phẩm kiến trúc ấn tượng nhất mọi thời đại, là những tinh hoa nhất trong sáng tạo của con người được lưu truyền cho hậu thế.

Cùng điểm danh những cái tên quen thuộc trong danh sách 10 kiến trúc sư đương đại nổi bật nhất!

Frank Lloyd Wright

Frank Lloyd Wright sinh 8/6/1867 và mất ngày 9/4/1959 là một kiến trúc sư và nhà thiết kế người Mỹ. Ông được nhận xét là mẫu người tham vọng, biết nhìn xa trông rộng và được ca ngợi như một kiến ​​trúc sư vĩ đại nhất của nước Mỹ cho đến tận ngày nay. Suy nghĩ của Frank Lloyd Wright về sự hòa hợp giữa ngoại và nội thất của mỗi công trình đều luôn đi trước mọi thời đại về phương pháp, hình thức xây dựng và chưa bao giờ được giảng dạy trong các trường đại học trên thế giới.

Trong suốt cuộc đời, Wright đã thiết kế được 1.114 tòa nhà nhưng chỉ có 532 trong số đó đã hoàn thành. Một số tòa nhà đã bị phá hủy nhưng người ta vẫn dễ dàng nhận ra dấu ấn kiến trúc của ông trên khắp thế giới.

 
Những ý tưởng thiết kế của ông thường mang âm hưởng thiên nhiên chưa từng lỗi thời và người ta vẫn thường bắt gặp chúng trong nhiều tác phẩm đương đại, dù đã trải qua hơn 150 năm lịch sử. Trong đó phải kể tới triết lý “kiến trúc hữu cơ”. Thuật ngữ này được lấy cảm hứng từ sự ngưỡng mộ kiến trúc Nhật Bản của Frank Lloyd Wright, được dùng để chỉ một phong cách thiết kế mà ở đó người kiến trúc sư cố gắng tìm ra sự cân bằng hoàn hảo giữa con người, thiên nhiên và thiết kế.

Thẩm mỹ của Wright đã làm hài hòa kiến trúc và thiên nhiên gần như làm cho cấu trúc xuất hiện giống như nó vươn lên từ đất chứ không phải do con người xây dựng. Fallingwater ở Mill Run, Pennsylvania là một trong những ngôi nhà kiến trúc hữu cơ nổi tiếng nhất của Wright. Nhiều công trình do ông thực hiện sau này đã xuất hiện trong rất nhiều bộ phim nổi tiếng và nhận được những lời trầm trồ ngưỡng mộ từ hậu thế.

César Pelli

César Pelli là kiến trúc sư người Argentina. Ông nổi tiếng với những dự án thiết kế nhà cao tầng cao nhất thế giới và các công trình đánh dấu mốc khác trong đô thị. Những công trình của ông đầy kiêu hãnh khi cách tân nhiều chi tiết nhưng vẫn duy trì được yếu tố nhân văn. Trong suốt sự nghiệp của mình, César đã nhận được một kho giải thưởng đồ sộ mà bất kỳ kiến trúc sư nào cũng phải mơ ước có được.

Ông chính là tác giả của rất nhiều những công trình lớn tại nhiều nơi trên khắp thế giới, có thể kể tên như: Tòa tháp đôi Petronas Twin Towers tại thủ đô Kuala Lumpur, văn phòng New Haven của kiến trúc sư nổi tiếng Euro Saarinen, gồm TWA Terminal tại sân bay JFK- New York, trường Cao đẳng Stiles & Morse tại Đại học Yale. Ông là chủ nhiệm khoa kiến trúc của Đại học Yale và là tác giả của một số lượng lớn những tác phẩm trên báo, sách và tập san danh tiếng. Cả cuộc đời làm nghề, những lời cảm ơn và giải thưởng cũng nhiều như chính các dự án của ông vậy.

Zaha Hadid

Zaha Hadid sinh 31/10/1950 và mất ngày 31/3/2016. Bà là nữ kiến trúc sư đầu tiên giành giải thưởng Pritzker và được biết đến là người có những sáng tạo hiện đại, táo bạo, độc đáo, đậm chất nghệ thuật và đi trước mọi thời đại.

 Với những người yêu thích kiến trúc, Zaha giống như một “bông hoa vàng” có khả năng đưa những đường uốn lượn mềm mại vào các công trình kiến trúc thô cứng. Đó cũng chính là lý do mà người ta hay nhắc đến bà với biệt danh “nữ hoàng của những đường cong kiến trúc”. Zaha là người phụ nữ khiến các đấng mày râu phải thực sự nể phục và công nhận năng lực của nữ đồng nghiệp.

Nữ kiến trúc sư người Anh này từng đứng thứ 69 trong bảng xếp hạng phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới do tạp chí Forbes bình chọn vào năm 2008. Những công trình nổi tiếng của Zara Hadid có thể kể tới như: Innsbruck, Trung tâm Khoa học Phaeno và nhà hát Opera House tại Quảng Châu - Trung Quốc, Bảo tàng quốc gia nghệ thuật thế kỷ 21 tại Bridge Pavilion tại Zaragoza, Bergisel Ski Jump tại Innsbruck...

Frank Gehry

Frank Owen Gehry sinh 28/2/1929, là một kiến trúc sư người Mỹ gốc Canada. Những công trình của ông khiến người ta chẳng thể nhầm lẫn với bất cứ ai. Gehry đặc biệt thành công khi tạo ra những không gian kiến trúc không tưởng với sự kết hợp nhiều chất liệu tưởng chừng chẳng có mối liên hệ nào. Ông cho biết mình thường quan tâm đến cảm giác chuyển động trong các kiến trúc và những chất liệu này đến từ thế giới xung quanh, từ xã hội mà ông đang cố gắng liên tưởng đến và liên kết chúng lại với nhau.

Gehry được biết đến bởi khả năng sử dụng những vật liệu mới cực kỳ tốt, qua đó thể hiện được triết lý thiết kế của ông. Những tấm kim loại uốn lượn đã góp phần thể hiện thẩm mỹ kiến trúc về một sự dở dang và thô ráp. Cũng chính sự kiên định trong thẩm mỹ kiến trúc đã làm thiết kế của ông trở nên vô cùng đặc biệt và dễ dàng nhận ra.

Những công trình nổi tiếng nhất của Gehry bao gồm: Der Neue Zollhof ở Düsseldorf và khách sạn Marques de Riscal Vineyard ở Elciego, The Walt Disney Concert Hall tại Los Angeles, bảo tàng Guggenheim ở Bilbao. Ông đã nhận được giải thưởng Pritzker cho kiến trúc vào năm 1989.

Ieoh Ming Pei

Ieoh Ming Pei thường được gọi là IM Pei, sinh ngày 26/4/1917. IM Pei Sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, chuyển tới Mỹ học ngành kiến trúc và sau này trở thành một trong những kiến trúc sư đương đại nổi tiếng nhất thế giới, thành quả sáng tạo của IM Pei trong 80 năm có thể thấy ở mọi nơi.

Ieoh Ming Pei là người đặc biệt hứng thú với những chất liệu như đá, kính, sắt. Những thiết kế của ông luôn mang tính ứng dụng cao, sử dụng tối ưu ánh sáng tự nhiên vào ban ngày và phản chiếu ánh đèn lung linh vào buổi tối. Đồng thời các công trình của ông luôn nằm ở những vị trí tuyệt đẹp, có thể hướng nhìn bao quát các cảnh sắc thiên nhiên xung quanh.

Ieoh-Ming-Pei__1

Những tác phẩm của ông đều phản ánh sức ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, là sự kết hợp giữa yếu tố hình học phương Tây và lý thuyết phong thủy của châu Á. Những công trình nổi tiếng nhất của IM Pei bao gồm: Thư viện Tổng thống John F. Kennedy và bảo tàng ở Boston, bảo tàng nghệ thuật quốc gia ở Washington, Le Grand Louvre ở Paris, Bank of China Tower ở Hong Kong và bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo tại Doha.

Renzo Piano

Renzo Piano sinh ngày 14/9/1937 tại Ý trong một gia đình nhiều thế hệ theo nghề thầu khoán xây dựng. Ông là một trong số những kiến trúc sư nổi tiếng làm nên bộ mặt kiến trúc thế kỷ 20.

Renzo Piano là sự gặp gỡ hiếm hoi giữa kiến trúc, ngành hội họa, kỹ thuật cùng nét hoa mỹ trong triết học Ý. Trong suốt cuộc đời của mình, Renzo Piano luôn tìm kiếm và phấn đấu tạo ra các giải pháp táo bạo thông qua việc sử dụng sáng tạo công nghệ, đồng thời tôn trọng vật liệu truyền thống và nghề thủ công. Những ràng buộc, quy ước của chủ nghĩa hình thức, là ranh giới truyền thống giữa các quy tắc được xóa mờ, Piano lâu nay luôn tin chắc rằng kiến trúc sư cần quan tâm tới nhiều khía cạnh của công trình hơn là thẩm mỹ.

Bạn thân của ông – kiến trúc sư Richard Roger đã gọi Piano là một “người khiêm nhường nhưng không bao giờ hết đam mê”, là “người thủy thủ của những chuyến viễn du kỳ ảo”… Ông được người Việt Nam biết đến với tư cách là tác giả của công trình Nhà hát Thăng Long – một trong những dự án nổi bật, kiến trúc mang tính biểu tượng của thủ đô Hà Nội, được lấy ý tưởng hình ảnh vương miện của vua Lý Thái Tổ. Renzo Piano được nhận giải thưởng Pritzker năm 1998 và là Đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc.

Robert A.M. Stern

Robert Arthur Morton Stern còn gọi là Robert A.M.Stern, sinh ngày 23/5/1939, là một kiến trúc sư người Mỹ. Stern đã tốt nghiệp hai trường đại học Columbia và Yale, sau đó làm cố vấn cho Vincent Scully nổi tiếng. Ông hiện đang quản lý một công ty 300 người ở Manhattan, chủ nhiệm khoa trường đại học kiến trúc Yale, ngoài ra hàng ngày ông còn dành thời gian viết sách, thuyết trình, sáng tạo ý tưởng mới...

Từ khi bắt đầu kinh doanh, Stern tham gia vào hầu hết những công việc sáng tạo đa dạng trong kiến trúc đương đại. Những dự án nổi tiếng của công ty ông gồm: Federal Courthouse ở Virginia, cùng vô số những công trình công sang trọng như hội trường 10 Rittenhouse, tòa nhà Harvard và trường đại học Virginia, Philadelphia nổi tiếng. Phương pháp của Stern chính là sự đơn giản từ những phác họa đầu tiên. Ông biết được sức mạnh của máy tính trong thế giới kiến trúc ngày nay và nhóm cộng sự của ông luôn sử dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất.

 

Ludwig Mies van der Rohe

Ludwig Mies van der Rohe, còn gọi là Mies, sinh ngày 27/3/1886 và mất ngày 17/8/1969 tại Chicago, là một kiến trúc sư người Đức.

Ông chưa từng học qua trường đào tạo kiến trúc chính quy nào, tuy nhiên nhờ thời gian học việc trong các văn phòng thiết kế địa phương mà Mies đã dần dần bước chân vào lĩnh vực này.

Ông là một trong những người tiên phong đi đầu cho phong cách kiến trúc hiện đại, cụ thể là phong cách tối giản với phương thức thiết kế “ít là nhiều”, bằng cách sử dụng tấm kính kết cấu thép để phân chia không gian nội thất. Những khái niệm kiến trúc tối giản hóa của Mies đã được những thế hệ sau phát triển, trong đó có Philip Johnson.

Dự án đáng chú ý nhất của ông bao gồm Pavilion Barcelona ​​ở Barcelona, ​​Tây Ban Nha, Đức, Tòa nhà Seagram ở New York và Crown Hall ở Chicago, Illinois, thư viện quốc gia mới ở Berlin.

Ông từng nhận được giải thưởng liên minh châu âu cho kiến thức đương đại.

Moshe Safdie

Moshe Safdie sinh 14/7/1938, là một kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị, tiến sỹ luật học.

Những thiết kế kiến trúc của ông không ảnh hưởng với các trường phái nào và cũng không bao giờ nhầm lẫn với bất kỳ ai khác bởi sự độc nhất vô nhị, táo bạo và đi trước thời đại. Một trong những công trình nổi tiếng ở châu Á do đích thân Moshe Safdie thiết kế chính là Marina Bay Sands ở Singapore, nơi mà những ngôi nhà ngoài trời kết hợp với khu vui chơi giải trí và công viên cùng tạo nên không gian sống thoải mái.

Điểm nhấn gây ấn tượng nhất của khu tổ hợp này là vườn treo Sands Sky Park và bể bơi trên trời dài nhất thế giới ở độ cao 200m so với mặt đất. Đây là công trình được lấy cảm hứng từ khu vườn treo Babylon nổi tiếng lịch sử, hiện đang được xem là điểm đến hàng đầu châu Á về thương mại, triển lãm, tổ chức sự kiện.

Moshe Safdie đã được vinh danh với huân chương của Viện hàn lâm Hoàng Gia Canada cho cống hiến của ông với ngành xây dựng của đất nước. Safdie cũng là người đã vinh dự thiết kế Thư viện quốc gia của Canada.

Lord Norman Foster

Norman Foster sinh ngày 1/6/1935 tại Manchester, là một kiến trúc sư người Anh. Xuất thân từ một gia đình lao động, ông sớm bộc lộ năng khiếu và say mê kiến trúc một cách tự nhiên.

Ngay từ những công trình đầu tiên ông thiết kế đã phản ánh rõ nét việc hướng đến một nền kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao. Quan điểm thiết kế này của Foster mở ra một trường phái kiến trúc mới: coi trọng việc dùng công nghệ và kỹ thuật cao phục vụ nhân loại. Foster là người tiên phong trong việc tạo ra những toà nhà như trụ sở chính của Ngân hàng HSBC tại Hồng Kông, nơi có không gian tràn ngập ánh sáng.

Hay như công trình nhà số 30 phố Mary, Foster đã triệt để sử dụng mối liên kết chặt chẽ giữa hệ thống máy tính điều khiển và quy luật vật lý cơ bản, chẳng hạn như sự đối lưu không khí nhằm tạo ra một tổ hợp chặt chẽ, thông minh. Toàn bộ mặt đứng của công trình được thiết kế đặc biệt, có thể tự làm mát và làm ấm không khí mà không cần bất cứ một năng lượng nhân tạo nào.

Foster được nhân loại biết đến như một thiên tài trong nền kiến trúc thế giới. Các nhà phê bình nhận xét rằng ý tưởng thiết kế của ông giống như một giấc mơ kỳ diệu về không gian. Ông cho rằng: “Là một kiến trúc sư bạn cần phải thiết kế cho hiện tại, luôn nhận biết được quá khứ, còn tương lai thì không thể biết được”. Tuy nhiên chắc chắn rằng trong tương lai, cái tên Foster luôn là một phần quan trọng của kiến trúc thế giới.

Tin tức khác:

Thiết kế phòng làm việc tại nhà đẹp và sang trọng

Thiết kế phòng khám nhi khoa đẹp hiện đại và bắt mắt

Chọn lò sưởi cho không gian Tân cổ điển

Quy trình xây nhà với 6 bước cơ bản

Tầm quan trọng của ánh sáng trong thiết kế nội thất