89 Ngô Gia Tự - Long Biên - Hà Nội - Việt Nam
Nhà điêu khắc, họa sỹ, kiến trúc sư, nhà thơ Michelangelo là một nhân vật vô cùng đặc biệt. Ông là nghệ sỹ đầu tiên được ghi chép chi tiết tiểu sử ngay từ lúc đang còn sống và cũng là người được chép sử đầy đủ nhất về cuộc đời trong thế kỷ 16. Cùng với Leonardo da Vinci, ông đã tạo ra giá trị rực rỡ cho thời kỳ Phục hưng đỉnh cao và là người có sức ảnh hưởng mãnh liệt đến nền tảng mỹ thuật phương Tây sau này. Những câu chuyện xung quanh sự nghiệp của ông luôn ẩn chứa vô vàn bất ngờ đối với mọi người, kể cả lúc sinh thời lẫn sau này.
Tuổi thơ và con đường đến với nghệ thuật
Michelangelo tên thật là Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni, sinh ngày 6/3/1475 tại Caprese, Ý. Cha ông là người làm việc cho chính phủ Florence. Sau khi Michelangelo ra đời, gia đình ông chuyển đến Florence. Thành Florence hào hoa cũng chính là mảnh đất nuôi dưỡng cho tâm hồn nghệ thuật của Michelangelo phát triển.
Lúc 13 tuổi, Michelangelo được nhận vào học việc với hoạ sĩ Domenico Ghirlandaio - người đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm tranh tường. Một năm sau, tài năng của ông đã thu hút sự chú ý của Lorenzo de’Medici - nhà bảo trợ nghệ thuật và cũng là nhà cai trị trên thực tế của Florence. Lorenzo rất thích sự kích thích trí tuệ trong các tác phẩm của người thiếu niên tài năng này. Ông ngỏ lời mời Michelangelo đến cư trú trong ngôi nhà nguy nga của mình.
Từ đó, Michelangelo học hỏi được nhiều điều. Các tác phẩm sau này của ông được hình thành từ những gì ông đã học được về triết lý, chính trị trong những năm tháng sống ở đây. Trong khi sinh sống tại nhà Medici, ông cũng tinh chế kỹ thuật của mình dưới sự giám hộ của Bertoldo di Giovanni - nhà điêu khắc và là người lưu giữ bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc La Mã cổ đại của Lorenzo. Đó cũng là lý do khiến mặc dù Michelangelo thể hiện tài năng thiên phú của ông trong nhiều lĩnh vực, nhưng ông luôn coi mình trước tiên là một nhà điêu khắc.
Những tác phẩm kinh điển và bí ẩn đáng kinh ngạc phía sau
Hai trong số các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của Michelangelo là Đức mẹ sầu bi (Pieta) và Vua David được thực hiện khi ông chưa tới tuổi 30, phần nào chứng minh cho khả năng trời phú của một nhân tài đích thực.
Bức tượng bằng đá cẩm thạch Vua David khổng lồ, nặng tới 9 tấn, biểu tượng của tự do ở kinh đô văn hóa nước cộng hòa Florence. Michelangelo bắt tay vào làm việc từ năm 1501 tới 1504, trong vòng 3 năm ròng rã, thì hoàn thành. Tư thế của David do Michelangelo tạo ra không hề giống các tác phẩm trước đó về David trong thời Phục hưng. Michelangelo dường như mô tả David lúc chuẩn bị chiến đấu với Goliath, với đôi lông mày chau lại, phần cổ căng lên và các mạch máu dồn lên ở tay phải khiến David trông căng thẳng, nhưng đã sẵn sàng cho chiến trận.
Bức tượng Đức mẹ sầu bi (Pieta) được thực hiện khi Michelangelo chỉ mới 24 tuổi. Pieta là kiệt tác điêu khắc bằng đá cẩm thạch trắng với kích thước 1,74 m x 1,95 m. Tượng điêu khắc miêu tả tâm trạng của Đức mẹ Maria khi hạ xác Chúa Jesus xuống khỏi cây thập giá sau khi chịu đóng đinh. Bức tượng đã làm lay động lòng người khi đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật và tầm sâu thẳm của ý nghĩa hai từ “từ bi”. Tác phẩm bằng đá cẩm thạch này do Hồng Y Jean de Billheres - một đại diện người Pháp tại Rome, đặt làm như một đài tưởng niệm trong tang lễ của Ngài. Từ thế kỷ 18, tác phẩm đã được chuyển vào đặt tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Peter ở Rome, cho đến ngày nay.
Tượng Pieta được làm từ khối đá cẩm thạch rắc chắc nhưng đường nét lại vô cùng sống động. Các nếp áo của Đức mẹ đồng trinh trông chẳng khác gì thật.
Về sau này, tượng Vua David và Đức mẹ sầu bi đã trở thành hai kiệt tác điêu khắc vĩ đại của thời Phục hưng.
Một trong những tác phẩm được cho là kinh điển nữa của Michelangelo, mà sau này mọi người gọi đây là thành tựu lớn nhất của nghệ thuật phương Tây, đó chính là bức tranh trên vòm nhà nguyện Sistine, tòa thánh Vatican. Vòm mái của nhà thờ Sistine có diện tích 540 mét vuông. Chủ đề của bức họa là câu chuyện "Sáng thế" trong kinh Cựu ước, được tạo thành từ 9 bức tranh liên kết lại. Bố cục có hơn 300 nhân vật và 9 tình tiết trung tâm từ Sách Khải huyền. Mỗi nét vẽ của ông không chỉ mang theo sự tôn kính và trông ngóng đối với Thiên Đường mà còn làm nổi bật một tâm hồn thần thánh thuần khiết, một sự đoạn tuyệt với những ưu phiền nơi trần gian.
Để miêu tả về tuyệt tác này, có rất nhiều câu chuyện thú vị bên lề. Thậm chí, có những chi tiết “thần thánh” đến mức người ta còn so sánh “mật mã Michelangelo” cũng tài tình chẳng thua kém gì “mật mã Da Vinci” lừng lẫy.
Điển hình nhất là khi hai nhà khoa học người Mĩ tuyên bố phát hiện mới nhất của họ về sự mô tả một cách chính xác đáng kinh ngạc về những bộ phận trên cơ thể người là tủy sống và thân não trong tác phẩm "Nhà Nguyện Sistine".
Tác phẩm trên vòm nhà nguyện Sistine của Michelangelo nổi tiếng toàn thế giới.
Ngoài ra, những nhà khoa học từ trường Đại Học Dược Johns Hopkins ở Baltimore còn phát hiện thêm rằng hình vẽ về cổ họng và ngực của Chúa Trời ở bức tranh "Ranh giới giữa Ánh Sáng và Bóng Đêm" hoàn toàn không tuân theo những quy luật thông thường, và khác hẳn với những bức tranh cạnh đó. Trong khi hầu hết chúng ánh sáng được vẽ chiếu từ phía bên trái từ dưới lên, thì ở những hình vẽ này, ánh sáng lại được chiếu thẳng xuống, từ phải sang.
Nhiều chuyên gia khẳng định rằng trong bức tranh nổi tiếng “Tạo ra Adam”, Michelangelo đã sử dụng tới những kiến thức về giải phẫu học khi những khối kết cấu phức tạp trong bộ não người được phản ánh đầy đủ bằng những chi tiết có biến tấu ít nhiều trong bức tranh. Ngay cả dải khăn xanh được vẽ ra cũng hoàn toàn có mục đích.
Và còn rất nhiều những điều thú vị khác đã được giới chuyên môn phát hiện ra về các tác phẩm của Michelangelo. Tất cả đều giúp tôn lên sự kỳ bí trong cuộc đời và sự nghiệp của người nghệ sỹ tài hoa của nước Ý này.