89 Ngô Gia Tự - Long Biên - Hà Nội - Việt Nam
Tại xứ sở cờ hoa, có những công trình kiến trúc nổi tiếng đã ảnh hưởng lớn đến công cuộc đổi mới toàn nước Mỹ. Thậm chí, có thể nói rằng những công trình trên phần nào khiến diện mạo kiến trúc của quốc gia này hoàn toàn thay đổi với nhiều bước tiến vượt bậc.
Virginia State Capitol
Virginia State Capitol là công trình kiến trúc tiêu biểu của nước Mỹ do kiến trúc sư Thomas Jefferson thiết kế. Thomas Jefferson không chỉ là kiến trúc sư mà còn là một trong những người có công lớn khai sinh ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ông đóng góp soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776.
Trong chuyến đi công tác ở Pháp, ông bị thu hút bởi trường phái kiến trúc lấy cảm hứng từ đền đài Hy Lạp – La Mã, tiêu biểu là Maison Carrée. Khi trở về, Thomas Jefferson làm việc cùng cộng sự Charles - Louis Clerisseau để tạo nên bản vẽ Toà nhà Bang Virginia (Virginia State Capitol) dựa theo hình ảnh của Maison Carrée.
Đây chính là công trình mở đầu cho phong cách Tân Cổ điển (neoclassical design), để lại nhiều ảnh hưởng sâu rộng đến hàng loạt công trình quan trọng khác, đặc biệt là Toà nhà Quốc Hội Mỹ.
Southdale Center
Southdale Center được xây dựng vào năm 1956 bởi kiến trúc sư Victor Gruen, tại Minnesota. Kiến trúc sư người Úc Victor Gruen sống một thời gian ở Vienna, nơi những quán café, cửa hàng và nghệ sĩ đường phố đầy rẫy ở vỉa hè. Làm việc tại Mỹ từ sau Thế chiến thứ II, Victor Gruen ấp ủ suy nghĩ về một nơi có thể thu hút mọi người tụ tập mua sắm, giải trí, gặp gỡ. Người chủ Dayton Department Stores bị thuyết phục và cho phép ông thực hiện ý tưởng độc đáo này.
Thế là từ cửa hàng mặt phố thông thường của Dayton Department Stores, Victor Gruen đã sáng tạo ra mô hình trung tâm mua sắm trong nhà đầu tiên trên thế giới. Ông gọi thiết kế bên trong là “Garden Court of Perpetual Spring” (Vườn xuân vĩnh cửu) với hồ cá vàng, lồng chim, quán café và những bức tượng điêu khắc tuyệt đẹp. Có lẽ, Victor Gruen không ngờ rằng phát kiến này của ông đã trở thành tiền đề sản sinh ra thế hệ các trung tâm mua sắm, đặc trưng của đô thị lớn thời nay.
Trinity Church
Nhà thờ chúa ba ngôi được xây dựng năm 1877 trong bối cảnh sau nội chiến, nước Mỹ như một bức tranh dang dở của những nhà thờ theo phong cách Georgian từ thực dân Anh. Vì lẽ đó, nó trở thành công trình đầu tiên mang hơi thở mới, thổi làn gió mới vào bức tranh toàn cảnh của nền kiến trúc nhà thờ của Mỹ. Nhà thờ Chúa ba ngôi này đóng vai trò quan trọng trong công cuộc du nhập trường phái kiến trúc Romanesque Trung đại đến Mỹ. Tác giả của công trình là kiến trúc sư Henry Hobson Richardson.
Cho đến nay, nhà thờ Chúa ba ngôi đã trở thành niềm tự hào của giáo dân Mỹ và luôn mở cửa chào đón du khách.
Seagram Building
Công trình Seagram building được xây dựng tại New York vào năm 1958 bởi kiến trúc sư Ludwig Mies van der Rohe - Kiến trúc sư nổi tiếng người Đức, hiệu trưởng trường đào tạo Bauhaus. Ludwig Mies van der Rohe đến Mỹ vào những năm 1930 sau khi Đức Quốc Xã lan rộng chiến tranh và mang đến nơi đây một luồng gió mới về kiến trúc hiện đại. Một trong những công trình nổi tiếng nhất do ông thực hiện trong thời gian này đó là toà nhà Seagram Building nổi tiếng.
Thay đổi tư duy sử dụng gạch đá và trang trí cầu kỳ, kiến trúc sư Ludwig Mies van der Rohe chọn kim loại và kính làm chủ đề chính của công trình. Bên trong, các chi tiết nội thất đồng, cẩm thạch và đá hoa cương như tôn lên nét đẹp sang trọng, tối giản của Seagram Building.
Bên cạnh đó, khoảng sân trống trước Seagram Building cũng là đột phá đáng ghi nhận. Lúc đó, nhiều ý kiến cho rằng kiến trúc sư thật hồ đồ khi đánh đổi diện tích quý giá dành cho không gian công cộng. Thế nhưng, ý tưởng khác biệt này đã mang cư dân đến gần với công trình hơn, mở ra xu hướng thiết kế khu sinh hoạt chung phía trước các toà nhà lớn.
Wainwright Building
Được xây dựng năm 1891 bởi kiến trúc sư Louis H. Sullivan, Wainwright Building được ví như toà nhà “chọc trời” đầu tiên. Kiến trúc sư Louis Sullivan sử dụng khung thép nâng đỡ 10 tầng của công trình, mở ra phương pháp hoàn toàn mới khi xây dựng kiến trúc cao tầng. Bên ngoài Wainwright Building được trang hoàng theo chiều ngang bằng những hoạ tiết La Mã kinh điển.
Kiến trúc sư Louis Sullivan từng tự hào cho rằng: “Chính độ cao là điểm hấp dẫn nhất của các toà nhà chọc trời”. Vậy nên từ nền móng cho đến đỉnh tháp, từng thiết kế phải đồng điệu, hài hoà, thể hiện niềm tự hào kiêu hãnh về chiều cao mà công trình đạt được.
Dulles International Airport
Sân bay quốc tế này được xây dựng vào năm 1962 tại Virginia bởi kiến trúc sư Eero Saarinen. Vào thời đó, chỉ có những người giàu có mới sở hữu phi cơ riêng, còn máy bay đa phần chỉ để chở hàng hóa. Ý tưởng về kiến trúc sân bay vốn gần như bằng 0 và xây dựng được một kiến trúc độc đáo cho lĩnh vực này là việc vô cùng khó.
Kiến trúc sư Eero Saarinen vốn nổi tiếng với những công trình mang đường cong hiện đại vì thế không có gì lạ khi ông đã mang phong cách này vào thiết kế sân bay Dulles.
Về cấu trúc tổng quan, sân bay quốc tế Dulles mô phỏng hình ảnh đôi cánh với hàng cột chống nghiêng độc đáo. Tổng thể công trình có sự mềm mại, quyến rũ. Cửa kính được lắp đặt xung quanh công trình, tạo không gian mở đầy thoáng mát. Cho tới tận ngày nay, một số sân vận động và sân bay ngày nay vẫn theo đuổi nguồn cảm hứng từ sân bay Dulles.
Robie House
Robie House là công trình xây dựng của kiến trúc sư nổi tiếng Frank Lloyd Wright. Tên đầy đủ của công trình là Frederick C. Robie House, nổi bật với mái nhà nằm ngang mới lạ, hàng loạt cửa sổ liền kề và khu vực sinh hoạt chung ở trung tâm, không bị chia tách. Hiện công trình nằm tại thành phố Chicago.
Highland Park Ford Plant
Vào năm 1908, Henry Ford ra mắt xe ôtô Model T automobile và lập tức trở thành cơn sốt trên toàn nước Mỹ. Vì thế, ông trùm Henry Ford muốn xây dựng nhà máy sản xuất xe hơi kiểu mới. Ông thuê kiến trúc sư Albert Kahn và đặt yêu cầu mở rộng phân xưởng gấp ba lần hiện tại.
Không phụ lòng mong đợi của hãng xe danh tiếng, kiến trúc sư Albert Kahn sáng tạo ra khung thép cửa sổ công nghiệp, gia tăng đáng kể ánh sáng và không khí cho nhà máy. Sau này, vào năm 1920, Albert Kahn tiếp tục hỗ trợ Henry Ford xây dựng thêm một dây chuyền sản xuất ở River Rouge. Nói cách khác, công trình này mở ra một chương mới cho kiến trúc nhà máy công nghiệp.
Vanna Venturi House
Được xây dựng vào năm 1964 Pennsylvania bởi kiến trúc sư Robert Venturi, Vanna Venturi House được đặt theo tên mẹ ruột của ông, đánh dấu công trình đầu tiên của thời kỳ hậu hiện đại (postmodern architecture).
Mặt tiền của ngôi nhà vẫn mang các điểm đặc trưng của kiến trúc hiện đại như đường cong, khối hình học nhưng linh hoạt mà không cứng nhắc, sinh động mà không lạnh lùng. Robert Venturi cũng đi ngược lại thuyết chức năng (trọng tâm của Modernism), mang những trang trí phù hợp vào nội thất công trình.
Động lực phía sau sự đột phá này là mong muốn tìm kiếm sự bất ngờ, sự đổi mới cho vẻ đẹp tối giản của chủ nghĩa hiện đại. Thông qua công trình này, kiến trúc sư Robert Venturi muốn truyền tải tới mọi người một thông điệp: “Đôi khi, quy luật sinh ra là để phá bỏ”.
Disney Concert Hall
Sân khấu hòa nhạc Disney được xây dựng vào năm 2003 tại California bởi kiến trúc sư Frank Gehry. Bao bọc xung quanh là những mảng tường thép uốn cong sáng chói, công trình luôn kiêu hãnh thu hút mọi ánh nhìn của bất cứ ai đi qua.
Frank Gehry đã “thai nghén” suốt 10 năm mới có thể cho ra đời ý tưởng về cánh buồm trong tuổi thơ của mình, hiện hữu trên công trình ở thực tại. Sự phá cách này của ông đã từng khiến nhiều nhà thi công e ngại. Frank Gehry thuyết phục họ bằng cách sử dụng phần mềm đồ hoạ 3D CATIA để phác thảo công trình trực quan và sinh động nhất. Disney Concert Hall mở ra một trường phái mới trong kiến trúc Đương đại, ứng dụng các hình dạng hữu cơ vào thiết kế.
Hội tụ những ý tưởng độc đáo, những công trình kiến trúc này đã là niềm tự hào một thời của người dân Mỹ. Cho đến tận ngày nay, dù đã có nhiều công trình hoành tráng khác thay thế nhưng những điển hình ở trên vẫn luôn tồn tại trong trái tim mọi người như những chứng nhân lịch sử ngành kiến trúc xứ cờ hoa.